Ngày 16 tháng 6 năm 2023, tại Sân vận động thành phố Long Khánh (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên năm 2023 theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây được xem là hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu sầu riêng của tỉnh Đồng Nai cũng như hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, cùng các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi; ông Từ Châu, Phó Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM; lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT 21 tỉnh thành; lãnh đạo UBND các huyện và thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai; các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đánh giá: “Thời gian qua, Đồng Nai đã tổ chức thành công nhiều sự kiện về quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản. Đồng Nai nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển nên đạt những thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất… Bộ NN- PTNT đánh giá rất cao sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, nhất là thực hiện tốt xây dựng các vùng chuyên canh trái cây xuất khẩu, đặc biệt là trái sầu riêng. Tuy nhiên, địa phương phải quan tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng trên thị trường quốc tế, minh bạch về chất lượng sản phẩm. Bộ NN-PTNT cam kết sẽ đồng hành với tỉnh trong phát triển sản xuất và thị trường xuất khẩu.”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh: “Sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Những năm qua, Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất theo chuẩn thị trường xuất khẩu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, tỉnh mong muốn Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để trái sầu riêng của Việt Nam đến được người tiêu dùng trên toàn thế giới. Mong các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất…để nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường thế giới. Chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nông dân để nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng tốt tiêu chuẩn thị trường thế giới.”
Tham gia lễ công bố xuất khẩu có 6 doanh nghiệp xuất nhập khẩu sầu riêng (Công ty cổ phần tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH XNK trái cây Hòa Hạnh, Công ty TNHH XNK Thanh Trung, Công ty TNHH MTV trái cây Thủy, Công ty TNHH XNK Tân Hoàng Linh và Công ty TNHH TMSX Thuận Hương) với số lượng 20 container với 360 tấn sầu riêng gồm giống Dona, Ri6 được thu hoạch từ 6 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (vận chuyển bằng đường bộ). Dự kiến trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng với tổng diện tích 820 ha.\
Xem thêm: Tập đoàn Chánh Thu xuất khẩu trái cây theo công nghệ chế biến tiên tiến nhất
Sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai, với diện tích trên 11.345 ha, tỉnh Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ tư cả nước về diện tích sau Đắk Lắk (22.458 ha), Lâm Đồng (17.719 ha), Tiền Giang (17.656 ha). Vùng trồng sầu riêng ở trỉnh Đồng Nai tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích). Diện tích thu hoạch 6.574 ha và sản lượng năm 2023 khoảng 69 nghìn tấn.
Xem thêm: Sầu riêng Việt Nam phải cải thiện chất lượng nếu muốn cạnh tranh với Thái Lan
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 140 vùng trồng đã được cấp mã số và 82 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, New Zealand. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng.
Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu các vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói phải đươc giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên môn. Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về việc ghi nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu. Đồng thời phải kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về bao bì và nhãn mác.
Có thể nói, quả sầu riêng của Đồng Nai hiện đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu. Và thông qua buổi lễ công bố này, tỉnh Đồng Nai đã nâng cao được giá trị sản phẩm trái cây địa phương nói chung và trái sầu riêng nói riêng đến gần hơn với người tiêu dùng trên toàn thế giới.