Các doanh nghiệp thua lỗ sẽ ngồi lại với nhau, thậm chí ngưng mua hàng để ép giá. Như vậy người chịu thiệt vẫn là nông dân.
Phá vỡ liên kết sầu riêng
Đến nay, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,2 tỷ USD, sức nóng của loại “vua trái cây” đã khiến thị trường tranh mua, tranh bán, loạn giá, doanh nghiệp thua lỗ, sự liên kết giữa các bên trở nên mong manh và bị phá vỡ…
Cụ thể tại Đắk Lắk đã bộc lộ nhiều tồn tại như diện tích được cấp mã số vùng trồng ít, tình trạng gian dối và đánh cắp mã số vùng trồng, tình trạng “tranh mua, tranh bán” và chốt giá sớm khiến nông dân sẵn sàng bẻ cọc hợp đồng, các liên kết trước đó đã ký kết với doanh nghiệp bị phá vỡ… Những tồn tại, bất cập, biến cơ hội của ngành hàng “tỷ đô” đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn trong phát triển bền vững.
Ông Bùi Thanh Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vụ mùa sầu riêng năm 2023 tại địa phương có nhiều bất ổn.
Theo ông Huỳnh, trước vụ thu hoạch, thương lái vào tận vườn chốt giá cao, có thời điểm lên đến 93.000 đồng/kg. Đây là năm đầu tiên có giá cao như vậy.
“Vào chính vụ, giá sầu riêng giảm, thương lái thương lượng với người dân bớt giá. Nếu thương lượng không thành công, thương lái neo vườn, khiến sầu rụng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và năng suất vụ sau. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã liên kết với hợp tác xã thì không mua được hàng. Việc này khiến cho mối liên kết của ngành hàng này bị phá vỡ và dẫn đến những hệ lụy về sau không thể lường trước”, ông Huynh nói thêm.
Doanh nghiệp kinh doanh nông sản ở nhiều địa phương nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp như ở vụ sầu riêng của Đắk Lắk năm qua. Nông dân chỉ thấy lợi trước mắt chứ không nghĩ đến hệ lụy về sau. Khi diện tích ngày càng tăng thì tính bền vững sẽ không có, nếu nông dân không đứng vào chuỗi liên kết thì sẽ là người chịu thiệt đầu tiên.
“Vụ sầu riêng ở Đắk Lắk vừa qua doanh nghiệp thu mua hơn 3.000 tấn. Doanh nghiệp chỉ thu mua số lượng này rồi dừng lại vì nửa vụ về sau vì chất lượng không cao, giá cả được đẩy lên quá cao. Ngoài ra các kho bãi mọc lên nhiều, người nông dân làm ra quả sầu riêng không đạt chất lượng.
Khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không đạt sẽ thua lỗ. Việc hỗn loạn không chỉ diễn ra tại Đắk Lắk mà còn lan xuống đến miền Tây. Nông dân miền Tây cũng bắt doanh nghiệp thu mua theo như Đắk Lắk, tức cứ có trái là tính tiền chứ không quy cách như năm ngoái”, bà Thảo chia sẻ.
Cần hành động sớm
Cần có chế tài cho người nông dân, đội ngũ đi cắt và cả doanh nghiệp đối với tình trạng cắt non. Đối với giá thì cần có khung cơ bản, tăng giảm bao nhiêu phần trăm chứ không để tăng đột biến.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng thì cơ quan chức năng cần xây dựng quy trình canh tác chuẩn. Cần đẩy nhanh việc cấp mã vùng trồng. Hiện nay tiến độ cấp mã khá chậm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Huy vọng trong thời gian tới các thủ tục cấp mã sẽ được nhanh hơn.
Tương tự, bà Lê Ngọc Phương Thảo cho rằng cơ quan chức năng và cả Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk cần nhanh chóng tìm ra giải pháp để giúp ngành sầu riêng phát triển ổn định.
Theo bà Thảo, phải để cho người dân biết giá thực tế của thị trường, thực tế giá doanh nghiệp nhận đơn hàng và bán tại Trung Quốc như thế nào. Việt Nam cần học hỏi Thái Lan để tìm ra giải pháp giúp ngành hàng ổn định. Thái Lan trồng, xuất khẩu sầu riêng trước Việt Nam nhưng không có tình trạng hỗn loạn như thế này.
“Cần xác định giá cả như thế nào là phù hợp để người nông dân có lời, doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Khi nào các bên cùng vui thì ngành hàng mới phát triển bền vững. Trong khi mùa vụ vừa qua tại Đắk Lắk người nông dân thiên về lợi nhuận cho chính mình mà không nghĩ chặn đường còn rất dài. Nếu thị trường Trung Quốc không tiêu thụ thì sản phẩm sẽ đi về đâu trong khi diện tích và sản lượng đang tăng chóng mặt.
Chúng tôi đang lo lắng khi các doanh nghiệp Trung Quốc ngồi lại với nhau sẽ ép giá. Khi đó người chịu thiệt sẽ là nông dân. Còn doanh nghiệp sẵn sàng đóng cửa để nghỉ 1-2 năm nhằm bảo toàn nguồn vốn vì trong thời điểm này càng kinh doanh càng lỗ. Nghỉ để các doanh nghiệp nhỏ tự đào thải, khi đó sẽ hết tình trạng tranh mua, tranh bán”, bà Thảo nói thêm.
Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam