CEO Ngô Tường Vy: Kiếm tiền phải đầy tự hào, có tự trọng và lòng trắc ẩn
16/01/2023
chanhthu_ad

CEO Ngô Tường Vy: Kiếm tiền phải đầy tự hào, có tự trọng và lòng trắc ẩn

‘Có người nói thiếu gì đâu mà Ngô Tường Vy phải cực như thế? Tôi chỉ cười bởi mình không đi kiếm tiền cho bản thân hay cho Chánh Thu’, CEO Ngô Tường Vy.

Lần nào gặp gỡ Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cũng tràn đầy năng lượng. Mỗi cuộc trò chuyện với CEO trẻ tuổi này luôn khiến tôi tự hỏi, điều gì đã làm cô gái có vẻ ngoài nhỏ nhắn lại đau đáu với nông sản Việt đến vậy? Ngô Tường Vy cười, bất cứ ai cũng chỉ cơm ngày hai bữa, quan trọng là mình để lại gì cho cuộc đời này anh ạ. 

Năm 2022 đối với Ngô Tường Vy và Chánh Thu có nhiều thành tựu. Tháng 9, Chánh Thu là doanh nghiệp xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên đi Trung Quốc, tháng 11 xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ. Trước đó nữa, con thuyền Chánh Thu do CEO sinh năm 1986 chèo lái đưa lô xoài đầu tiên đi Mỹ năm 2019, lô vải thiều đầu tiên đi Nhật Bản năm 2020…

Nói về “những lần đầu tiên”, Ngô Tường Vy suy ngẫm: Đó là thành quả, cũng là bước đệm để chúng ta định vị sản phẩm mình đang ở đâu, chất lượng như thế nào, từ đó xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng, bền vững. Là chỉ dấu cho thấy nông nghiệp Việt Nam thay đổi tư duy như thế nào.

“Tôi luôn nghĩ, thay đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp là mỗi người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà quản lý… bớt chút lợi ích trước mắt, cùng nhau hoàn thiện chuỗi liên kết và xây dựng lợi ích lâu dài”, Ngô Tường Vy nói.

Xem thêm: Giá bưởi da xanh tại siêu thị của Hoa Kỳ

Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ
Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ

 Thay đổi từ Trung Quốc và Mỹ

Tiên phong thay đổi tư duy thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, chị nhìn nhận tư duy, tiềm năng, lợi thế và cơ hội ở thị trường này thay đổi ra sao?

Đúng là ngày trước người Việt mình có tâm lý xem Trung Quốc là thị trường dễ tính, sản phẩm gì không bán được thì đưa sang thị trường này. Nhưng Chánh Thu đã thay đổi tư duy đó từ rất sớm. Chúng tôi tự đặt tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc là khó tính và dành sự tôn trọng đặc biệt. Mất nhiều năm để xây dựng chuỗi liên kết và khi cơ hội đến chúng tôi đã có lợi thế hơn so với nhiều người khác.

Bốn năm trước tôi đến Thái Lan và chứng kiến Trung Quốc áp dụng các tiêu chuẩn đối với nông sản của người Thái và nghĩ, chắc chắn một ngày họ cũng sẽ áp những tiêu chuẩn đó với Việt Nam. Thực tế đã đúng như thế. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng nên lô sầu riêng đầu tiên xuất sang thị trường Trung Quốc được đón nhận ngoài mong đợi.

Từ truyền thông, bạn bè quốc tế chờ đợi quả sầu riêng Việt Nam sẽ định vị như thế nào ở thị trường Trung Quốc, những phản hồi của khách hàng về chất lượng, giá cả… Tôi mừng là thời điểm này giá sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc tương đương với Thái Lan dù họ đi trước chúng ta. Mừng vì mang lại lợi ích cho cả chuỗi một phần, cái chính là khẳng định chất lượng sản phẩm sầu riêng Việt Nam không thua ai.

Dư địa của thị trường Trung Quốc còn vô cùng rộng lớn, là cơ hội phải khai thác tốt hơn nữa. Riêng sầu riêng, hiện cả Việt Nam, Thái Lan và Malaysia mới chỉ cung cấp được khoảng từ 30-40% nhu cầu thị trường Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc chưa được ăn sầu riêng, nhiều tỉnh ở Trung Quốc chưa có sầu riêng, đó là cơ hội rất lớn và thực tế các đối tác cũng yêu cầu rất nhiều tuy nhiên Chánh Thu mới chỉ cung cấp được khoảng 1/10.

v3

Ceo Ngô Tường Vy. Ảnh: NTV.

Với thị trường Mỹ, lô bưởi đầu tiên đến xứ cờ hoa có ý nghĩa thế nào với chị và Chánh Thu?

Sau khi xuất lô bưởi đầu tiên sang Mỹ có đến bốn năm đêm liền tôi không ngủ được. Vào facebook đọc từng bình luận của khách hàng mà rớt nước mắt.

Nhiều người Việt mình ở Mỹ nói lần đầu tiên được ăn quả bưởi quê hương nơi đất khách quê người, không chỉ thỏa nỗi nhớ quê mà còn trào dâng niềm tự hào dân tộc. Sản phẩm nông nghiệp quê hương tôi, đất nước tôi bây giờ đã thay đổi, phát triển và bán sang tận Mỹ. Tôi sẽ lan tỏa đến cộng đồng bên này, trái bưởi Việt Nam quê hương tôi là ngon nhất thế giới…

Câu chuyện đó thực có ý nghĩa, nhắc nhớ tôi rất nhiều điều. Trước hết Chánh Thu quyết tâm xuất khẩu quả bưởi da xanh vì đó là sản phẩm của quê hương Bến Tre và tôi cực kỳ tin tưởng. Năm 2016 khi đại diện của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến làm việc với Chánh Thu tôi đã giới thiệu với họ quả bưởi quê hương mình và tất cả đều khen ngợi. Tôi cũng đã đi khắp nhiều quốc gia trên thế giới và cảm nhận không nơi nào có giống bưởi ngon như bưởi da xanh của Bến Tre.

Thứ hai, ở góc độ thị trường, nhìn nhận đúng ưu điểm, lợi thế sản phẩm, đảm bảo chất lượng chắc chắn sẽ thành công. Ai cũng biết thị trường Mỹ khó tính nhất thế giới, đặc biệt là đối với sản phẩm cây có múi. Người Thái Lan mất rất nhiều năm chưa thể thành công, vậy mà người Việt mình làm được.

Thành quả đó tôi nghĩ chính là nhờ vào chất lượng sản phẩm và sự thay đổi tư duy canh tác, tổ chức sản xuất…

Để có được quả bưởi đầu tiên vào được thị trường Mỹ, Chánh Thu đã làm việc với tỉnh Bến Tre, với các tổ chức quốc tế và các hộ dân liên kết áp dụng quy trình để có được sản phẩm đồng bộ, đáp ứng tiêu chí khắt khe nhất. Và thành quả được đền đáp xứng đáng. Người Mỹ sang Bến Tre kiểm tra nói rằng họ đã ghiền ăn quả bưởi của Việt Nam. Đại sứ quán nước mình bên đó cũng thông tin nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của bạn bè quốc tế.

CEO Chánh Thu Ngô Tường Vy
CEO Chánh Thu Ngô Tường Vy

Điều đọng lại với chị sau những lần đầu tiên đó là gì?

Nông dân liên kết với Chánh Thu là những người đầu tiên tôi nhớ đến và cảm nhận được niềm hạnh phúc của bà con. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc đến từ sự thay đổi. Bà con liên kết với Chánh Thu bây giờ đã nhìn thấy giá trị sản phẩm do bàn tay, công sức mình làm ra không chỉ ở góc độ bán được bao nhiêu tiền mà còn là giá trị mang lại cho người tiêu dùng.

Điều đó mới thực sự ý nghĩa, là đích đến của chúng ta. Không quan trọng ai đầu tiên xuất khẩu đi thị trường nào, quan trọng chúng ta làm tốt chuỗi liên kết để quả bưởi hay các loại nông sản khác của Việt Nam đi xa hơn. Không cần cạnh tranh bằng giá rẻ, không cần cạnh tranh bằng sản lượng mà phải bằng chất lượng của sản phẩm Việt Nam.

Những lô hàng đầu tiên tôi nghĩ chỉ mang ý nghĩa bước đệm, giúp chúng ta có bài học kinh nghiệm, sự tự tin bước vào thị trường khác. Giúp nông sản chúng ta có được uy tín, thương hiệu để quá trình đàm phán dễ dàng hơn… Tuy nhiên về lâu dài, chắc chắn cần một chiến lược rõ ràng, đồng bộ cho nông sản Việt Nam, để không bỏ lỡ cơ hội vừa có thể phát triển thực sự bền vững.

Xem thêm: Tự hào lô bưởi xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ

Chờ Nghị định thư mới làm mã số vùng trồng là sao?

Với chiến lược phát triển nông sản Việt bền vững, suy nghĩ của chị như thế nào?

Sau khi xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, Chánh Thu trở thành nhà cung cấp lớn, tuy nhiên sản phẩm của chúng tôi vẫn chưa thể vào được các siêu thị dù khách hàng đánh giá rất cao chất lượng. Nguyên nhân, hiện chuỗi sản xuất Chánh Thu mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/10 so với nhu cầu của khách hàng. May nhờ thương hiệu Chánh Thu, tin tưởng của đối tác nên được giao thêm thị trường Thái Lan để đảm bảo số lượng theo yêu cầu.

Nói thật, mình đi qua nước bạn để phát triển một sản phẩm Việt Nam mình có thực sự trong lòng rất nhiều đắn đo suy nghĩ, nhưng nếu không làm sẽ lỡ mất cơ hội bởi khách hàng không thể ngồi chờ mình được.

Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là sự lắng nghe của các địa phương với những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu đang vướng. Cấp thiết tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng mã số vùng trồng, ổn định sản lượng…

Cần chiến lược phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam. Ảnh: NTV.
Cần chiến lược phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam. Ảnh: NTV.

Theo chị, thiếu chiến lược, chính sách liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến thực trạng chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi mở cửa thị trường hay không?

Đúng là công tác chuẩn bị còn rất hạn chế. Theo tôi để chúng ta không bị động trước thị trường, để có thể sẵn sàng hơn trong thời gian tới khi đàm phán sản phẩm khác nhất định phải có định hướng, tiêu chí tiêu chuẩn và chiến lược rõ ràng.

Ví dụ sau khi mở cửa thị trường sầu riêng, Trung Quốc đã có tiêu chí rõ ràng thì những sản phẩm kế tiếp như bưởi, dừa hay các loại khác cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đi. Không thể đợi sau khi có Nghị định thư rồi mới đi làm mã số vùng trồng, đăng ký nhà đóng gói được. Phải chủ động tuyên truyền, hướng dẫn để bà con hiểu được trồng bất kỳ sản phẩm nào cũng phải có mã số vùng trồng, đúng tiêu chí phục vụ thị trường xuất khẩu.

Thậm chí tôi còn mong mỏi đến một lúc nào đó chúng ta xây dựng tiêu chí sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu tương đồng. Nếu làm được chắc chắn sẽ không còn câu chuyện doanh nghiệp thiếu chuỗi liên kết như hiện nay.

Bài học ở Thái Lan, nông dân khi bán sản phẩm để doanh nghiệp xuất khẩu kèm theo mã số vùng trồng. Tức là người sản xuất họ được cơ quan quản lý hỗ trợ để trang bị các tiêu chuẩn, tiêu chí đầy đủ, doanh nghiệp chỉ có nhiệm vụ đi tìm kiếm thị trường. Đó là điều chúng ta đang thua kém người ta.

Tất nhiên đã gọi là chiến lược thì phải dài hơi. Nhiều người e ngại mình đi sau người ta, tôi nghĩ khác, đi sau cũng có lợi thế của nó. Sản phẩm của Việt Nam mình rất ngon, vấn đề chỉ có ở xây dựng chất lượng và thương hiệu. Đây là câu chuyện phải làm, từ người nông dân, thương lái, doanh nghiệp, đặc biệt cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự minh bạch, sâu sát để có tư duy quản lý tốt hơn.

Giống như chị từng có lần chia sẻ, chúng ta không những thiếu chiến lược, chính sách mà còn thiếu cả chế tài để xây dựng chuỗi liên kết đúng không?

Cần có chế tài mới có thể xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nông sản mang thương hiệu Việt Nam, mới có thể hoàn thiện được chuỗi liên kết chứ lâu nay có nhiều chuyện vô lý quá.

Ví dụ mình hay đi kêu gọi bà con nông dân tham gia sản xuất theo quy trình Viet GAP, Global GAP, thậm chí bỏ tiền cho bà con đi dự hội thảo, hội nghị…, tôi thấy những câu chuyện đó vô lý vô cùng. Tại sao chúng ta không xây dựng chế tài để mỗi một khâu trong chuỗi liên kết phải tuân theo? Người nông dân muốn bán trái sầu riêng thì phải có chứng chỉ canh tác đạt chuẩn như thế nào, mã số vùng trồng ra sao, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn đóng gói, mẫu mã hàng hóa như thế nào…

Một bài học cũ tôi từng nhiều lần chia sẻ, ở Thái Lan họ có những chế tài rất mạnh mẽ để xây dựng thương hiệu quốc gia, có chiến lược cụ thể phát triển sầu riêng thành ngành hàng mũi nhọn. Chiến lược đi kèm chính sách và chế tài, người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều phải tuân thủ và nhờ đó người tiêu dùng rất hài lòng với sầu riêng Thái Lan.

Việt Nam mình cũng phải làm như vậy. Phải có những chế tài mạnh mẽ hơn để người tiêu dùng thấy Việt Nam chúng ta hoàn toàn nghiêm túc với vấn đề xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Chuỗi liên kết phải hình thành tư duy chủ động quản lý để sản phẩm nông sản có thể tương thích với tất cả các thị trường.

Bài học đắt giá ở Malaysia, Nhật Bản…

Nâng tầm tiêu chuẩn, chất lượng nông sản Việt, bài học chị rút ra sau hành trình tìm hiểu thị trường là gì?

Tôi luôn có một khát vọng lớn xây dựng thành công thương hiệu quốc gia, nhất là sản phẩm trái cây đặc thù mà Việt Nam mình có tiềm năng, lợi thế. Đó là giải pháp nâng tầm nông sản Việt Nam.

Người Nhật chỉ cần gắn chữ “made in Japan” lên sản phẩm trái cây đã có thể bán với giá gấp nhiều lần sản phẩm của nước khác dù cùng loại giống, cách chăm sóc… Đó là nhờ họ biết nâng tầm giá trị sản phẩm, biết xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia và nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, định vị từng phân khúc.

Và đặc biệt, mỗi một người Nhật Bản khi sử dụng nông sản “made in Japan” mang đầy lòng tự hào, kiêu hãnh của dân tộc mình. Tất nhiên cũng phải mất quá trình rất dài Nhật Bản mới xây dựng được tư duy nhưng đổi lại giá trị của nông sản được nâng tầm lên rất nhiều. Người Việt mình cũng sẽ làm được nếu mang tâm thế vì màu cờ sắc áo với nông sản Việt, nếu mỗi người Việt là một kênh lan tỏa thương hiệu nông sản “made in Viet Nam”.

Tôi cũng đã học bài học lớn về tư duy xây dựng giá trị sản phẩm của người Malaysia. Người Malaysia ăn sầu riêng Musang King bằng tư duy sầu riêng của họ là ngon nhất thế giới. Và họ không bao giờ chạy theo số lượng. Có thể Monthong hoặc nhiều giống sầu riêng khác của Thái Lan có sản lượng nhiều hơn, năng suất cao hơn nhưng người Malaysia vẫn chỉ kiên trì với Musang King. Họ tạo giá trị ngay từ tên sản phẩm, Musang King durian, vua của các loại sầu riêng. Họ đánh vào tâm lý, thói quen, lòng tự hào dân tộc để từ đó thay đổi hành vi người tiêu dùng. Thành quả là không chỉ ở Malaysia mà nhiều quốc gia khác, Musang King là sầu riêng của người giàu, đã ăn rồi sẽ không nghĩ đến sản phẩm khác nữa.

Đó là những tư duy chúng ta cần phải học. Không thể chạy theo số lượng, sản lượng khi đã có nhiều bài học xương máu mà hãy cùng nhau tạo nên chất lượng và giá trị sản phẩm của mình. Khảo sát thị trường, tìm hiểu hành vi người tiêu dùng, định vị từng loại sản phẩm để có chiến lược phát triển thực sự rõ ràng.

Chánh Thu luôn sẵn sàng và mong muốn tiên phong thực hiện chiến lược đó. Nông sản Việt Nam phải chinh phục thị trường bằng chất lượng, giá trị chứ không phải chỉ một vài container để lấy tiếng tăm, đó là điều Chánh Thu không bao giờ làm.

CEO Ngô Tường Vy: Tôi mong muốn các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đi cùng trên tinh thần vì cái chung, vì lợi ích quốc gia, lợi ích bà con nông dân.
CEO Ngô Tường Vy: Tôi mong muốn các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đi cùng trên tinh thần vì cái chung, vì lợi ích quốc gia, lợi ích bà con nông dân.

Chánh Thu phải là nhân tố vì nền nông nghiệp tử tế

Đã nhiều lần chị chia sẻ, giấc mơ lớn của đời mình là góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt, chiến lược của chị và Chánh Thu để hiện thực giấc mơ đó như thế nào?

Chánh Thu đang đồng hành với Bộ NN-PTNT đàm phán để xuất nhãn sang Nhật Bản. Mục tiêu trong năm tới sẽ đưa quả bưởi sang thị trường Trung Quốc, New dealand, Úc… Chúng tôi cũng đang đầu tư gần 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến bằng công nghệ cấp đông hiện đại cho các sản phẩm sầu riêng, khoai lang, chanh dây… ở tỉnh Đăk Lăk.

Giấc mơ xây dựng thương hiệu quốc gia vẫn rất cháy bỏng và tôi đặt mục tiêu làm bằng được, ít nhất là đối với quả sầu riêng và quả bưởi.

Thời điểm xuất lô bưởi đầu tiên đi Mỹ tôi đã chia sẻ với Bộ NN-PTNT, với tỉnh Bến Tre, mục tiêu của chúng ta là nắm tay nhau đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống siêu thị lớn như Walmart, Costco Wholesale…, Mỹ là thị trường khó tính nhất thế giới, điểm duy nhất chúng ta có thể tồn tại và chiến thắng ở đây chỉ có thể là chất lượng, nếu chạy theo sản lượng, giá cả, chắc chắn sẽ thua. Chính vì thế phải cùng nhau đi chặng đường dài hơi, bền vững chứ không phải một vài lô hàng đầu tiên này.

Con đường đó một mình Chánh Thu không đi hết được. Tôi mong muốn các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đi cùng trên tinh thần vì cái chung, vì lợi ích quốc gia, lợi ích bà con nông dân.

Chúng ta nói nhiều về thay đổi tư duy của bà con, của các nhà quản lý, phải chăng tư duy doanh nghiệp cũng là nút thắt lớn trong mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững?

Đã là doanh nghiệp đương nhiên ai cũng vì lợi nhuận cả thôi, nhưng tôi vẫn thường nói với bạn bè kinh doanh nông nghiệp là chúng ta hãy cùng nhau kiếm tiền một cách đầy tự hào, có tự trọng và lòng trắc ẩn.

Đừng bao giờ nghĩ chúng ta là đối thủ của nhau. Đối thủ ở các nước khác và ở chính cái tôi của mình, là những gì mình chưa làm được. Hãy cùng nhau tốt hơn, đoàn kết cùng nhau tìm kiếm, chinh phục thị trường lớn hơn, vì người nông dân và thương hiệu nông sản Việt. Hãy học Nhật Bản, Đài Loan cùng nhau xây dựng thương hiệu, để đi đến đâu người ta biết đến Việt Nam có sản phẩm này sản phẩm kia thế mới xứng đáng sống một cuộc đời.

CEO Chánh Thu và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: NTV.
CEO Chánh Thu và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: NTV.

Triết lý đó của Chánh Thu đã thay đổi từ khi nào?

Thực ra trước đây Chánh Thu cũng là doanh nghiệp đi lên từ khó khăn, cũng chạy theo cơm áo gạo tiền, tuy nhiên khoảng hơn 3 năm trở lại thì khác. Tôi đeo đuổi mục tiêu thương hiệu Chánh Thu phải phát triển trường tồn.

Dẫu biết điều đó vô cùng khó, cha mẹ tôi là những người kỳ cựu, vất vả khó khăn lắm mới có thể xây dựng được Chánh Thu. Là người kế nghiệp tất nhiên phải gìn giữ, phát huy, nhưng tôi mong muốn người chèo lái Chánh Thu sau này không nhất thiết trong gia đình cũng được, chỉ cần xác định: Chánh Thu phải là nhân tố góp phần vì ngành nông nghiệp tử tế, giá trị Chánh Thu tạo dựng phải là điểm sáng để thế giới nhìn nhận nông sản Việt Nam tốt hơn.

Hệ sinh thái của Chánh Thu vẫn chủ yếu là nông dân, người lao động, những người thiệt thòi được cả xã hội phải ôm vào. Chánh Thu có được thành công như ngày hôm nay nhờ phần nhiều đóng góp rất lớn từ những con người đó. Mục tiêu đeo đuổi của tôi là phải mang lại giá trị cho họ. Có người nói Ngô Tường Vy có thiếu gì nữa đâu, tại sao phải cực như thế? Tôi chỉ cười. Tôi đâu có đi kiếm tiền cho bản thân, cho Chánh Thu. Đi là để tạo ra những giá trị của những con người trong hệ sinh thái của chúng tôi, đó là khát vọng chân thành, mới là hạnh phúc thực sự.

Hạnh phúc đến từ sự tin tưởng và những lời chia sẻ rất nông dân của bà con “có chết cô chú cũng theo con”, đến từ cảm xúc tự hào Việt Nam của nhiều bạn trẻ mỗi khi nhìn thấy nông sản Việt xuất hiện ở thị trường các quốc gia tiên tiến. Đó là những động lực thôi thúc tôi đi và kiên định với con đường, mục tiêu của mình.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp

类别:博客分享和标签: Ben Tre 、 Chanh Thu 、 Durian 、 Made in Vietnam 、 Durian 。

Trả lời %s

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *