Ngày 30/10/2023, Chương trình Tọa đàm với chủ đề “Sản xuất nông nghiệp – Phát huy lợi thế – Nâng cao giá trị”. Chương trình do Sở NN&PTNT, Cục Trồng trọt, Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) và UBND huyện Cờ Đỏ phối hợp tổ chức.
Tham gia chương trình có các diễn giả Thạc sĩ Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT; Thạc sĩ Trần Thái Nghiêm, PGĐ sở NN&PTNT TP Cần Thơ; Bà Ngô Tường Vy – TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn XNK Trái cây Chánh Thu; Ông Mai Văn Tùng – Trưởng Phòng Đầu tư và Phát triển vùng nguyên liệu, Công ty TNHH XNK Đại Đương Xanh.
Thành phố Cần Thơ hiện có 114.256 ha đất nông nghiệp (chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên), trong đó trên 78.000 ha canh tác lúa, 1.915 ha đất trồng cây hàng năm khác, 30.872 ha đất trồng cây lâu năm và 2.797 ha đất nuôi trồng thủy sản.
Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều động thái nhằm hỗ trợ phát triển Nông nghiệp. Nền nông nghiệp phát triển đúng hướng, thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận. Đây chính là mục tiêu mà tất cả nước ta đã, đang và sẽ quyết tâm theo đến cùng.
Tại chương trình, bà Ngô Tường Vy chia sẻ kinh nghiệm về những ưu điểm của quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái. Để khẳng định được loại cây ăn trái đặc trưng của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, gắn kết vùng nguyên liệu với doanh nghiệp và bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá, giảm thiểu rủi ro cho bà con nông dân.
Bên cạnh những ưu điểm của quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cũng còn tồn tại không ít những hạn chế trong quá trình thực hiện. Vừa qua tại Đắk Lắk chúng ta vừa mới trải qua một vụ mùa lớn nhất trong năm, Chánh Thu đã liên kết với rất nhiều vùng nguyên liệu của Hợp tác xã địa phương trước 1 – 2 tháng trước khi vào vụ sầu riêng, nhưng vẫn bị nông dân bẻ cọc vì cò, lái vào trả giá cao hơn. Việc này khiến doanh nghiệp gặp khó trong hoàn thành đơn hàng cho đối tác, phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu.
Giải pháp chúng tôi đưa ra là mong muốn bà con nông dân địa phương hiểu được và lựa chọn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, hiểu được giá trị trong việc tạo liên kết bền vững cùng doanh nghiệp. Lợi nhuận của ngành nông nghiệp là một hành trình dài, ví như cây sầu riêng – thời gian gắn bó là 30 năm, không nên nhìn thấy cái lợi trước mắt mà phá vỡ mắt xích trong chuỗi phát triển nông nghiệp. Nếu tình trạng bẻ cọc kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển của toàn ngành, tình trạng “chặt trồng, trồng chặt” không sớm thì muộn sẽ quay trở lại.